Câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm, khi chọn kinh tế và bỏ qua những lợi ích vô giá về sinh thái mà rừng mang lại, trong dài hạn sẽ khiến chúng ta mất nhiều hơn được.
Rừng "ngã" xuống để dự án “mọc” lên
Điển hình là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Theo đó, Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh, trụ sở tại TP Đà Lạt) chủ đầu tư dự án đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 368 ha. Trong đó, phá rừng 257 ha, lấn chiếm 111 ha.
"Siêu" dự án nghỉ dưỡng Đại Ninh làm mất 257 ha rừng. Ảnh: LĐ
Liên quan đến việc để mất rừng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty Sài Gòn Đại Ninh bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, dù bồi thường với mức nào đi chăng nữa, cũng khó có thể trả lại phần rừng đã bị mất đi.
Tương tự, năm 2020, Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng bị phát hiện phá thông trong rừng phòng hộ tại Thung lũng tình yêu - Nơi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1998, để phục vụ xây dựng công trình trái phép.
Cũng trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức chủ đầu tư dự án khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng, an dưỡng cao cấp tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm bị phát hiện đã san ủi hơn 4.200 m2 đất rừng phòng hộ, mặc dù dự án này chỉ được cấp phép trên diện tích 1.300 m2.
Một trường hợp khác là dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) được phê duyệt chủ trương đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng trên 155,9ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Hàng nghìn cây thông đã được di chuyển đi trồng ở vị trí khác. Tuy nhiên, những cây thông này đang bị chết khô hàng loạt, chất thành đống.
Tại dự án sân golf Đak Đoa, cây thông được di thực trồng riêng nhưng chết khô chỉ sau vài tuần. Ảnh: DT
Trước đó, từ năm 2017, dù chưa thực hiện xong các thủ tục cần thiết nhưng tỉnh Phú Yên đã cho “trảm” gần 116 ha rừng phòng hộ ven biển để Công ty TNHH New City Việt Nam làm sân golf thuộc dự án Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam.
Hay mới đây, dư luận đang dồn sự quan tâm về câu chuyện hơn 87 ha đất có nguồn gốc là đất của vườn Quốc gia Phú Quốc tại địa bàn xã Bãi Thơm, đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang cho chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để phục vụ dự án sân golf do Công ty TNHH Rita Võ làm chủ đầu tư. Lời giải thích được một số cơ quan chức năng địa phương đưa ra là thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (?).
Cũng là dự án sân golf, tuy nhiên, cuối năm 2022, UBND TP Buôn Ma Thuột đã lấy ý kiến của Bộ Xây dựng và các sở ngành, qua đó thống nhất loại bỏ quy hoạch đối với 59 dự án. Trong đó, đáng chú ý có dự án làm sân golf tại hồ Ea Kao, xã Ea Kao ra khỏi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên diện tích hơn 138 ha.
Một thực trạng đáng buồn là khoảng 15 năm trở lại đây, cơn “ác mộng” mất rừng phòng hộ diễn ra ở nhiều địa phương khắp cả nước. Từ những cánh rừng trên núi, cho đến rừng nằm ngay giữa đồng bằng đều chịu chung “số phận” bị tàn phá nghiêm trọng.
Dư luận cho rằng, việc chặt phá diện tích lớn rừng phòng hộ để làm các dự án thương mại nguy cơ dẫn đến hiện tượng nguồn nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, lũ lụt, thiệt hại về người và tài sản…Trong khi đó, dù doanh nghiệp có cam kết trồng lại, cũng phải mất hàng chục năm sau cây mới có thể lớn thành rừng.
Tận dụng “kẽ hở” pháp luật!
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để thực hiện một công trình, dự án kinh tế mà cần sử dụng diện tích rừng làm mặt bằng thì nhất thiết phải có bước quan trọng đó là “phải chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” (tức không phải mục đích lâm nghiệp). Tuy nhiên, để làm được điều này, pháp luật đòi hỏi những nguyên tắc bắt buộc.
Một góc rừng thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị đào xới nham nhở để làm dự án du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: VNE
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như sau: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây; Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 10 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dùng trở lên; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp cũng có quy định về trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải theo thẩm quyền. Cụ thể là tại Điều 20 luật này, “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”. Trên mức này thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và dưới mức này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương lý giải, căn cứ chuyển mục đích sử dụng rừng “phù hợp với quy hoạch" là cách trả lời quá chung chung và không đủ thuyết phục. Ảnh minh hoạ
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng là vậy, tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, có không ít vụ lách luật, lợi dụng kẽ hở của luật, để lấy đất rừng làm dự án thương mại. Nhìn chung, hầu hết sai phạm mà nhiều địa phương mắc phải đều là chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết của dự án để có điều kiện được xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng như: chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; dự án đầu tư chưa được Quốc hội quyết định chủ trương…
Ngoài ra, sai phạm từ phía chính quyền (các UBND, HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ) thường là: vượt quá thẩm quyền trong việc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; “vội vàng” giao đất rừng cho chủ đầu tư dự án khi chưa đủ điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng…
Đa số các chuyên gia pháp luật, kinh tế đều cho rằng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, tạo ra những kẽ hở lớn và vô tình “tiếp tay” cho nhiều dự án kinh tế “loại bỏ” rừng để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Đơn cử là chủ trương cấm chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia), song lại không có chế tài với đất rừng phòng hộ: “Chỉ cấm với rừng tự nhiên là chưa đủ, khi mà diện tích rừng tự nhiên ngày càng ít đi, cần thiết phải xem xét cấm hẳn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng là một số loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quan trọng sang mục đích khác. Hãy để rừng mãi mãi là rừng” - một chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Chính vì những sai phạm kể trên mà nhiều diện tích rừng đã bị triệt hạ. Trách nhiệm này thuộc về các địa phương, cần phải được xử lý nghiêm minh!